Sáng 14-1 vừa qua, buổi họp báo “Ứng dụng Công nghệ Phytosome vào lĩnh vực y dược tại Việt Nam” do Viện Nghiên cứu Ứng dụng công nghệ cao về Y Dược Học tổ chức đã diễn ra tốt đẹp. Sau hơn 10 năm nghiên cứu, Công nghệ Phytosome được đánh giá là công nghệ vượt trội và được dùng rộng rãi tại các nước phát triển do có độ an toàn cho tế bào cao. Đơn cử, các nhà khoa học đã có những phát hiện khoa học về curcumin, thành phần chính của củ nghệ, qua công nghệ phytosome. Điều này có ý nghĩa rất lớn trong ứng dụng vào sản xuất sản phẩm y dược.

Đại tá Phạm Hòa Lan, nguyên Chủ nhiệm khoa nghiên cứu thuốc và trang thiết bị y tế (Cục Quân y – Bộ Quốc phòng) khẳng định: “Tính năng ưu việt của các chế phẩm phytosomal (chế phẩm sử dụng công nghệ phytosome) có thể giảm liều dùng của hoạt chất mà hoạt động điều trị vẫn cho kết quả tốt. Phytosome dễ tan nên tăng khả năng hấp thu dược chất qua đường uống và qua da”.

Dược chất được hấp thu tối đa nên mặc dù liều dùng thuốc giảm nhưng vẫn đạt được hiệu quả điều trị mong muốn. Ông Tích Huyền – Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Nghiên cứu Ứng dụng công nghệ cao về Y Dược học, dẫn chứng cụ thể như Phytosome làm tăng sinh khả dụng của hoạt chất nhờ tạo phức hợp “curcumin – phosphatidylcholin”, nên cải thiện được hấp thu qua ống tiêu hóa, hoạt chất giải phóng nhanh, tác dụng phòng và chữa bệnh nổi trội…

Mục tiêu của IRMEPHA với công nghệ Phytosome

Theo Bà Nguyễn Thị Kiều Trang- Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Ứng dụng Công nghệ cao về Y Dược Học: Viện luôn nghiên cứu và phát triển những kinh nghiệm chữa bệnh dân gian và y học dân tộc theo hướng khoa học hiện đại, phát triển hệ sinh thái dược liệu bền vững. Viện đang tập trung vào việc sử dụng các nguyên liệu thảo dược từ thiên nhiên, có nguồn gốc ở Việt Nam. Bên cạnh đó, IRMEPHA kết hợp với những ứng dụng công nghệ cao tiên tiến nhất hiện nay trong lĩnh vực dược phẩm để tạo ra những sản phẩm dược phẩm “Made in Việt Nam” với chất lượng tốt nhất nhưng giá thành hợp lí để nhiều người tiêu dùng Việt Nam có thể sử dụng được.